Xuất bản thông tin

null Chủ tịch UBND tỉnh: Nghị quyết 120/NQ-CP là cuộc cách mạng trong giai đoạn mới

Chủ tịch UBND tỉnh: Nghị quyết 120/NQ-CP là cuộc cách mạng trong giai đoạn mới

Tham gia Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào ngày 13/3 tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đã dành riêng cho Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp để chia sẻ xoay quanh vấn đề này, từ thực tiễn tại vùng Đất Sen hồng nói riêng và “chín rồng” nói chung.

Khẳng định Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu là cuộc cách mạng trong giai đoạn mới, ông Phạm Thiện Nghĩa cũng nêu lên nhiều kiến nghị quan trọng để hoàn thiện trong thời gian tới.

Nghị quyết 120/NQ-CP thỏa mãn sự kỳ vọng của người dân

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa khảo sát vuờn trồng xoài kết hợp nuôi gà hữu cơ
của
Nông trang Tràm Chim, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông - mô hình sản xuất “thuận thiên”

Theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, trong những giai đoạn phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long luôn được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và có những lãnh đạo định hướng, đầu tư rất hiệu quả. Từ khai hoang các vùng như: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau v.v., biến thành những vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp cho đến các chương trình cụm tuyến dân cư, kiên cố hoá trường lớp, xây dựng nông thôn mới, phát triển công nghiệp - đô thị v.v. đã góp phần tạo ra diện mạo mới của vùng đồng bằng trù phú sản xuất nông nghiệp như hôm nay. 

Trước diễn biến của biến đổi khí hậu, sụt lún, xâm nhập mặn, Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với định hướng, cơ chế phát triển cụ thể, phù hợp với thực tiễn và qui luật tự nhiên; đặc biệt là lần đầu tiên tổ chức quy hoạch tổng thể vùng, với một tầm nhìn mới, tư duy mới; hình thành Hội đồng điều phối Vùng để lãnh đạo thống nhất hành động. Có thể nói, Chính phủ không chỉ rất quan tâm, mà đã vào cuộc rất mạnh mẽ và quyết liệt trên khắp các lĩnh vực - ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá.

Theo người đứng đầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Nghị quyết 120/NQ-CP đã tiếp cận và thỏa mãn sự kỳ vọng của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và từng địa phương, nên đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, xây dựng chính sách, xác định chiến lược trên các lĩnh vực tại các địa phương theo hướng “thuận thiên”; giúp các địa phương trong vùng có điều kiện phát triển bền vững hơn, khắc phục được nhiều điểm nghẽn, nhất là thay đổi về tư duy sản xuất, phát triển hạ tầng, chuyển đổi sinh kế, phát triển theo hướng chất lượng, an toàn, phù hợp với quy luật thị trường, nâng cao chuỗi giá trị và thu nhập của người dân; ổn định xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trên tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP, Đồng Tháp đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều chương trình, kế hoạch đồng bộ trên các lĩnh vực. Cụ thể như: Nghị quyết thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp, Đề án Giải quyết việc làm và đưa người lao động làm việc có thời hạn nước ngoài, Đề án Phát triển du lịch, Đề án Phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp, Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục v.v. - ông Phạm Thiện Nghĩa cho hay.

Cuộc cách mạng trong giai đoạn mới

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Đồng Tháp xem Nghị quyết 120/NQ-CP là cuộc cách mạng trong giai đoạn mới. Do đó, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, Đồng Tháp đã xác định chuyển đổi tư duy, nhận thức và thay đổi phương thức hành động là nhiệm vụ trọng tâm trước tiên, cũng như kiên trì lâu dài, đặc biệt là chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; lấy khoa học công nghệ làm mũi đột phá và lấy sự hài lòng người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trên các lĩnh vực. Nổi bật là chuyển đổi cơ bản tư duy người dân giảm sự trông chờ, tự tin vươn lên trong cuộc sống và xã hội (học tập nghề, thoát nghèo, tham gia tự nguyện nhiều hoạt động xã hội, nhất là hội quán, hợp tác xã).

Chính từ thay đổi tư duy, phương thức đã tạo phong trào lan toả đến thực hiện các đề án, chương trình tỉnh đã đề ra một cách đồng bộ và sâu sắc; nhiều cách làm và mô hình nổi bật của tỉnh như: Cánh đồng giảm giá thành, cánh đồng thông minh, ruộng nhà mình, cây xoài nhà tôi, liên kết - hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ; phát triển chuỗi ngành hàng hàng; phát triển nhanh sản phẩm OCOP gắn kết hệ thống thương mại; phát triển khởi nghiệp; đưa lao động đi làm việc có thời hạn nước ngoài với phương châm “Đi làm thuê về làm chủ” đã góp phần thay đổi hình ảnh của tỉnh vươn lên là địa phương tiên phong, năng động, hiệu quả theo đánh giá của Trung ương trong những năm qua.  

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng bước đầu, việc triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết 120/NQ-CP chưa toàn diện, sâu rộng và đồng bộ trên một số lĩnh vực, chưa mang đến nhiều kết quả như mong đợi, do chính sách cần độ “chín”, thêm thời gian để đi vào cuộc sống - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nhận định, đồng thời chỉ ra một số khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, đất sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; canh tác nhiều mùa vụ không chuyên canh, đất bạc màu năng suất không cao; tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều, giá thành lại tăng, chất lượng và độ sạch sản phẩm còn thấp. Bên cạnh đó, việc khai thác và sử dụng nguồn nước chưa hiệu quả, nên môi trường ô nhiễm ngày càng cao. Để giải quyết bài toán này, Đồng Tháp đã chủ trương giảm sản xuất lúa vụ 3, ngưng khai thác nước ngầm từ năm 2020, hạn chế thu hút đầu tư những dự án có ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, xu thế thị trường giảm nhu cầu sử dụng gạo, nhưng diện tích canh tác lúa vẫn còn khá lớn, do đảm bảo an ninh lương thực (chiếm 88% diện tích gieo trồng hằng năm của tỉnh Đồng Tháp), nên thu nhập của người dân trồng lúa còn khá thấp.

Thứ ba, vấn đề sụt lún, sạt lở bờ sông, thời gian qua, nhiều địa phương đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Mặc dù đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư khắc phục nhưng chưa đủ, tình hình này vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất người dân.

Thứ tư, việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và trung ương còn chồng chéo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy hiệu quả lớn.

Kiến nghị 05 nội dung quan trọng

Với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả của Đồng Tháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa
nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cơ quan báo, đài ngoài tỉnh

Nhấn mạnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP trong bối cảnh khó khăn kép: Vừa chống chọi với biến đổi khí hậu, vừa khôi phục kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương:

Một là, sớm hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng song Cửu Long và hỗ trợ các địa phương lập quy hoạch tỉnh, thành phố; hoàn thiện cơ chế, tổ chức, bộ máy, quy chế hoạt động, phương thức điều hành, nguồn lực tài chính của Hội đồng điều phối Vùng để khai thông những điểm nghẽn, tạo cơ hội vùng phát triển đột phá trong giai đoạn tới.

Hai là phân định cụ thể hơn các lĩnh vực phát triển theo qui luật “thuận thiên” để tạo sự thống nhất, chủ động của từng địa phương; nghiên cứu về chính sách như: An ninh lương thực, tích tụ đất đai, đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế hợp tác và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; quy hoạch vùng trữ nước ngọt để điều hoà, đảm bảo an ninh nguồn nước v.v..

Ba là, với tầm quan trọng của chế biến nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu. Với vai trò và tiềm năng sẵn có, Đồng Tháp kiến nghị sớm hình thành Trung tâm chế biến nông sản và logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tạo động lực, góp phần cho cả nước thực hiện mục tiêu này.

Bốn là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai thực hiện đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm kết nối vùng đã được thông qua, kể cả đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và đường hàng không), để vừa tạo kết nối và động lực cho vùng phát triển đồng bộ, bền vững. Đặc biệt là các nguồn vốn Chính phủ đã cam kết hỗ trợ có mục tiêu đầu tư cho vùng, sớm phân khai và thực hiện (nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới).

Năm là, Đồng Tháp cũng như các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về năng lượng tái tạo kết hợp với sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng gió; do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế, chính sách và tăng thêm công suất điện năng lượng vào Quy hoạch điện VIII quốc gia; đồng thời, sớm hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các mô hình: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số, để tạo điều kiện các địa phương chủ động sớm triển khai thực hiện hiệu quả và đồng bộ.

Nghị quyết 120/NQ-CP đã và đang tạo thế đột phá mới cho Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Tỉnh Đồng Tháp đã và đang dần phát huy nguồn nội lực bên trong nhằm thay đổi tư duy từ chính quyền, đến doanh nghiệp và người dân cùng thích ứng nhanh với những tác động từ bên ngoài, tập trung khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên bản địa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh.

Văn Khương
khuongvan07@gmail.com
thumbnail

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tin xem nhiều

Danh mục chính Menu

Chính quyền với báo chí

Mục này cập nhật liên tục thông tin nổi bật của báo chí trong và ngoài tỉnh về vùng đất Sen Hồng

Thông cáo báo chí
Người phát ngôn
Báo chí với Đồng Tháp

Danh mục chính Menu

Banner Bản tin chỉ đạo điều hành

Banner Video

Banner Megastory

Banner Tin đồ họa

Tin nổi bật

// ]]>